NẾU TÔI BIẾT ĐƯỢC KHI CÒN LÀ SINH VIÊN (Phần 1)

Quãng đời sinh viên là khoảng thời gian khó khăn của mình, nhưng đó cũng là khoảng thời gian mình học hỏi và trưởng thành nhiều nhất. Mình học từ cả những thành công và thất bại.

Một trong những thất bại lớn nhất của mình thời sinh viên là việc chọn hệ quy chiếu sai.

Vào thời điểm đó, có quá nhiều thay đổi và sự lựa chọn khiến mình hoang mang, bối rối. Nên đôi khi mình dựa vào ý kiến cha mẹ để ra quyết định, có khi dựa vào bạn bè, có khi dựa vào người yêu. Nói chung lúc đó mình như tắc kè hoa cứ phải đổi màu liên tục để phù hợp với môi trường.

Khi đó mình có cảm giác có điều gì đó không ổn. Mình cảm thấy bế tắc, cảm thấy mâu thuẫn nội tâm. Nhưng lúc đó không hiểu lí do vì sao.

Đôi lúc mình có cảm giác con người mình thể hiện ra bên ngoài không phải là con người mình muốn, nhưng vẫn phải làm vậy để không khác biệt với đám đông. Có bạn nào có cảm giác giống như mình lúc đó không?

Sau này đọc quyển “7 thói quen hiệu quả” của Stephen R.Covey, mình mới phát hiện ra vấn đề của mình khi đó. Đó là mình đã chọn hệ quy chiếu sai. Thay vì quy chiếu vào những nguyên tắc bất biến, trường tồn theo thời gian, thì mình lại quy chiếu vào gia đình, vào bạn bè, người yêu.

Nếu khi còn là sinh viên mình có một triết lý sống đúng đắn và đủ mạnh mẽ, thì mình sẽ đưa ra được những lựa chọn tốt hơn cho bản thân, cuộc đời mình cũng sẽ đỡ những rắc rối hơn, xây dựng được nhiều thành tựu hơn, sống hạnh phúc hơn.

Mình nhớ từng đọc ở đâu đó câu này: “Không có gì là thất bại cả, nếu từ đó ta học được điều gì đó”. Nên nghĩ kĩ lại, mình thấy thời gian đó cũng không hẳn là thất bại, chỉ là trải nghiệm thôi.

Giai đoạn khủng hoảng đó đã giúp mình nhận ra những điều sau. Nếu được quay lại thời sinh viên, mình chỉ ước có thể thay đổi những điều này thôi.

1/ Nên phác họa cho bản thân 1 NHÂN SINH QUAN (LẼ SỐNG, TRIẾT LÍ SỐNG) càng sớm càng tốt. Bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến hầu hết những khía cạnh khác của cuộc sống như công việc, gia đình, tình cảm sau này. Nó sẽ quyết định chỗ đứng của ta sau 10, 20 hay 50 năm sau nữa.

Thầy Giản Tư Trung có nói: “Mỗi người phải là một triết gia trên chính cuộc đời của mình. Nếu không thì cuộc đời của mình sẽ có rất nhiều rắc rối. Mà chẳng ai muốn cuộc đời mình rắc rối cả”

Đương nhiên, không ai có thể tìm ra nhân sinh quan của bản thân chỉ sau một đêm ngủ dậy. Nhưng chỉ riêng việc có ý thức về tầm quan trọng của nó, sẽ khiến người ta chủ động học hỏi mỗi ngày, tìm kiếm những điều giá trị nhằm xây dựng cho bản thân 1 bộ chuẩn mực, quy tắc để từ đó hành xử sao cho lợi mình mà cũng lợi người, làm sao để mang lại nhiều giá trị nhất cho thế giới này.

Đó chẳng phải là hành trình mà mỗi người đều phải đi trong cuộc đời hay sao?

2/ TRIẾT LÍ SỐNG này phải được xây dựng từ những nguyên tắc đúng đắn, đã được kiểm chứng qua thời gian và không gian.

Ví dụ, có những đức tính mà thời đại nào, quốc gia nào, người ta cũng coi trọng như trung thực, kỉ luật, tử tế, kiên trì,….

Trong việc ứng xử thì mình có ấn tượng nhất với 2 câu nói này:

Đức giáo hoàng Francis nói: “Hãy làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho mình”. Ví dụ, mình muốn người khác tôn trọng mình, nên khi giao tiếp mình phải tôn trọng người đối diện trước.

Khổng tử thì nói: “Cái gì bạn không muốn thì đừng làm cho người khác”. Chẳng hạn, mình rất ghét người ta nói xấu sau lưng mình. Nên mình cũng tuyệt đối không dùng thời gian của mình để đi nói xấu sau lưng người ta. Người ta có thể có thêm tiền, nhưng không thể có thêm thời gian. Nên việc sử dụng thời gian quý giá của bản thân để nói xấu người khác là điều vô nghĩa nhất trên đời.

Một câu active, 1 câu passive. Một câu là chân ga giúp mình vượt qua bao đèo cao để tiến về phía trước. Một câu là chân thắng, giúp mình dừng lại đúng lúc để không rơi xuống vực thẳm.

Ai chẳng muốn xây dựng một cuộc sống thành công, thịnh vượng và bền vững dài lâu. Mà muốn xây dựng 1 thứ gì đó vĩ đại bền vững thì phải dựa trên một nền móng vững chắc. Nền móng đó chính là những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp vượt mọi không gian và thời gian kia.

3/ Không được ngừng quá trình học hỏi. Phải luôn phát triển bản thân mỗi ngày.

Năm đầu thời sinh viên mình đã mắc bệnh ngủ quên trên chiến thắng. Cứ nghĩ rằng ta đây con nhà nghèo, học giỏi. Để đến được giảng đường Đại Học mình đã cố gắng rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa, nên giờ là thời gian nghỉ ngơi. Đáng tiếc là mình đã nghỉ ngơi quá lâu, dẫn đến bản thân tuột dốc.

Sau đó mình mới nhận ra rằng, thành tựu của HIỆN TẠI là do những cố gắng của QUÁ KHỨ, còn TƯƠNG LAI sẽ phụ thuộc vào những gì ta làm trong HIỆN TẠI.

Do đó không thể nào cứ mãi sống trong vinh quang của quá khứ được. Phải cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Nguyễn Thanh Thuyết

04/03/2017

 

Review sách: CHIẾN BINH CẦU VỒNG

GIỚI THIỆU

Chiến binh cầu vồng là quyển tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Indonesia, Andrea Hitara, được dựa trên câu chuyện có thật về thời thơ ấu của chính tác giả.

Truyện kể về quá trình nỗ lực vượt lên cái đói, cái nghèo để được đi học của 10 cậu học sinh là con của những vị phụ huynh nghèo nhất đảo Belitong.  Và nỗ lực để được dạy của 2 giáo viên duy nhất của trường, thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus.

Đọc CBCV xong, đọng lại trong mình là hình ảnh cậu bé Lintang gầy gò, đen nhẻm, mỗi ngày phải dậy từ sớm, đạp xe 40 km để đến trường. Khi xe hư, cậu không có tiền thay vỏ xe và mua cọng dây xích mới, nên phải dậy sớm hơn và đi bộ, đồng thời phải đi đường tắt mới kịp đến lớp. Mà đường tắt này lại phải đi ngang 1 đầm lầy đầy cá sấu. Có thể nói, để có thể đến lớp, mỗi ngày cậu đã phải đặt cược với mạng sống của chính mình.

Truyện truyền tải Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC của việc LÀM THẦY, LÀM TRÒ và VIỆC HỌC, xen lẫn trong đó là những khoảnh khắc thơ mộng của thời thơ ấu, về tình yêu trong sáng lẫn những trò đùa tinh quái của tuổi học trò.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

Lấy bối cảnh xã hội những năm 1980, câu chuyện về Chiến Binh Cầu Vồng diễn ra ở Belitong. Đây là hòn đảo nhỏ giàu có nhất ở Indonesia, nhưng lại có sự khác biệt sâu sắc giữa đời sống của 2 tầng lớp giàu – nghèo trên đảo.

Một bên là nhân viên của công ty khai thác Thiếc nhà nước, sống giàu có và tách biệt. Ngôi trường của con em họ đông vui, nhộn nhịp với hàng hàng dãy xe hơi đắt tiền và các lớp học đầy đủ tiện nghi.

Bên kia là những dãy nhà ổ chuột của các tầng lớp lao động nghèo khó. Đó là những cư dân Belitong Mã Lai, người Hoa, người thổ dân Swang làm culi, làm công nhân, làm thợ nào dừa, làm ngư dân đánh cá. Họ rất nghèo, tiền công một tháng lao động mệt mỏi chỉ được 12 đôla (240.000 vnd) cho một gia đình tối thiểu là 2 vợ chồng cùng 7 đứa con.

Đối nghịch với trường PN (dành cho con nhà giàu) là trường tiểu học Muhamadya, ngôi trường làng nghèo nhất ở Belitong, dành cho con em tầng lớp lao động. Mặc dù không bắt buộc đóng học phí, nhưng số lượng trẻ em được đi học tại trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm đó, thanh tra cấp trên ra một chỉ thị đặc biệt : “Trường sẽ phải đóng cửa nếu tuyển không đủ 10 học sinh mới”. Chính điều đó đã khiến cô giáo Mus và thầy Harfan, hai giáo viên duy nhất của trường lo lắng đến phát khóc, và niềm vui chỉ đến với họ khi cậu bé Harun (bị thiểu năng trí tuệ) đến để trở thành học sinh thứ 10 của lớp học.

Ngôi trường Muahammadiyah vừa thiếu thốn về đội ngũ giáo viên lẫn học sinh, vừa hết sức tồi tàn về cơ sở vật chất. Trường không có đồng phục, không có dụng cụ sơ cứu y tế, không có toilet, thậm chí đôi khi còn không có cả phấn để viết bảng. Nên đôi khi cô giáo Mus phải ra bãi đất trống ngoài sân để giảng bài cho học trò bằng cách dùng cành cây viết trên nền đất.

Ngôi trường này duy trì được bởi sự tận tâm của thầy hiệu trưởng Harfan, cô giáo Mus nhỏ bé mới chỉ có 15 tuổi, cùng khát khao đi học cháy bỏng của 10 học trò nhỏ.

Nhắc tới chiến binh cầu vồng, mình không thể nào quên hình ảnh cậu học trò nhỏ Lintang phải dậy từ 3-4 giờ sáng, đạp chiếc xe cà tàng vượt hành trình 40km để đi học mỗi ngày. Để đến được trường, cậu phải vượt qua những khu rừng cọ, qua đầm lầy đầy cá sấu. Những ngày mưa phải bơi qua dòng nước chảy xiết, nhưng cậu bé ấy đã không nghỉ một buổi học nào, và luôn là người đến lớp sớm nhất. Cậu bé ấy còn trở thành niềm tự hào của ngôi trường nhỏ bé, một thần đồng toán học, người đã thắp lên niềm tin và ước mơ cho các bạn cùng lớp ngay cả khi cô giáo Mus mất hy vọng.

10 cậu bé ấy, là 10 câu chuyện, là 10 số phận, là 10 tấm gương về sự nỗ lực để đến trường.

Một Lintang với tài năng về Toán Học và KHTN.

Một Madhar với xúc cảm nghệ thuật thiên bẩm.

Một Trapani đẹp trai với ước mơ trở thành thầy giáo.

Một Sahara với ước mơ trở thành một nhà nữ quyền.

Và cậu bé Ikal người đã viết lên quyển sách này với mối tình đầu ngây thơ, trong sáng, với những kế hoạch A, kế hoạch B cho tương lai

Và còn Harun, A King,….

Sau mỗi cơn mưa, bọn trẻ lại leo lên cây để xem cầu vồng. Chính vì vậy, cô giáo Mus đã ưu ái đặt cho những học trò của mình cái tên đặc biệt “Chiến binh cầu vồng”.

Và không thể không nhớ thầy Harfan, cô giáo Mus những người đã gieo mầm  ước mơ trong những chiến binh.

Hình ảnh cô Mus đội lá chuối dạy học trong những ngày mưa.

Đặc biệt là hình ảnh thầy Harfan trút hơi thở cuối cùng trong chính ngôi trường của mình, ngôi trường thầy đã cống hiến suốt cuộc đời.

Dù điều kiện có khó khăn, dù dường như tất cả mọi thứ trong xã hội chống lại ước mơ nhỏ bé của họ nhưng họ vẫn vượt lên tất cả để được đến trường.

Vâng, tuổi thơ của những chiến binh ấy đã không ngừng chiến đấu, họ đã không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi họ không thắng được sự nghiệt ngã của số phận họ vẫn không ngừng cố gắng.

Những đứa trẻ ấy học theo đúng nghĩa của nó, học vì thích học, vì muốn hiểu biết, muốn cuộc đời tươi sáng hơn. Không phải kiểu học cho có, cho xong.

VĂN CHƯƠNG ĐẸP ĐẼ, GIẢN DỊ, CHÂN THÀNH

CBCV là câu chuyện viết về giáo dục rất sâu sắc và vô cùng đẹp đẽ. Nó đẹp không phải bởi vì từ ngữ hoa mỹ, bay bổng mà bởi vì văn phong vô cùng giản dị và chân thành nhưng lại khiến người đọc vô cùng xúc động.

Xuyên suốt tác phẩm, song song với việc làm nổi bật sự nỗ lực vượt gian khó của học trò và giáo viên trường, tác giả còn đưa người đọc đi du hành về miền ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, với những trò chơi thuở nhỏ, những rung động đầu đời.

NHỮNG  CON SỐ ĐÁNG CHÚ Ý

CBCV đã được chuyển thể thành nhiều thể loại như phim truyền hình, phim điện ảnh và kịch. Bộ phim CBCV đạt doanh thu kỉ lục ở Indonesia, đồng thời dành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.

Tác phẩm đã bán được trên năm triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng, là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Nhờ thành công của bộ phim và cuốn sách, lượng du khách đến hòn đảo Belitong đã tăng đột biến.

BÀI HỌC RÚT RA

Gấp lại cuốn sách, mình thấy thật may mắn vì được đến trường, được học tập, được theo đuổi những đam mê của mình. Thấy hổ thẹn vì đôi lúc mệt mỏi muốn buông xuôi tất cả. Hổ thẹn vì những khó khăn mình gặp phải so với những cậu bé này có là gì đâu.

Chiến binh cầu vồng đã dạy mình phải không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để không phải hối tiếc.

Kết thúc cuốn sách là lời nhắc nhở của tác giả: Đừng bỏ cuộc.

Mình mong học trò của mình hiểu rằng được đi học, mặc ấm là hạnh phúc. Những tháng ngày học tập ở trường mặc dù cũng có những áp lực, nhưng đôi khi đó lại là ước mơ cháy bỏng của 1 ai đó.

Link mua sách, xem phim (Eng sub)

Mình hay mua sách tại tiki: Phí giao hàng hình như cộng thêm 13 ngàn nữa, giao tới tận nhà.

https://tiki.vn/chien-binh-cau-vong-tai-ban-p99644.html

Về phim, mình tìm mãi mà không thấy bản vietsub, chỉ có bản English sub này thôi. Mọi người đọc sách xong, có thể xem thêm phim để luyện Tiếng Anh luôn.

https://www.youtube.com/watch?v=U6dWqC42qic

Honeywell Green Boot Camp (HGBC)

Tạm dịch: Chương trình trại hè xanh của Honeywell dành cho giáo viên.

Đây là học bổng toàn phần dành cho giáo viên trung học, tập huấn về vấn đề môi trường, năng lượng và phát triển bền vững, được tổ chức tại San Diego, California, Hoa Kỳ.

Nếu được lựa chọn, mình sẽ được tài trợ toàn bộ chi phí, bao gồm vé máy bay khứ hồi, chi phí ăn uống, nơi ở, đi lại, tài liệu tập huấn.

Cụ thể, mình sẽ tự bỏ tiền để mua vé máy bay trước nhé. Qua bên đó, người ta sẽ hoàn lại đủ số tiền đó cho mình. Người ta sẽ lo chỗ ở cho mình. (Lần trước mình ở khách sạn Marriott Mission Valley). Ăn uống và đi lại giữa các địa điểm tập huấn người ta cũng lo luôn.

Chương trình được tổ chức bởi công ty Honeywell, công ty Gas và Điện San Diego, Trung tâm Năng lượng bền vững California, và tổ chức Urban Corps của thành phố San Diego.

Chương trình học được xây dựng bởi các chuyên gia của Honeywell và ba tổ chức của San Diego đại diện cho giáo viên trung học trên khắp thế giới nhằm tập trung vào hoạt động học tập dựa trên những dự án thực tế về năng lượng tái tạo, chất lượng nước, năng lượng mặt trời và nhiều vấn đề khác.

Mình thấy các hoạt động tập huấn với những chủ đề rất gần gũi, dễ áp dụng vào trong lớp học. Ví dụ, làm sao để cho học sinh hiểu được tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống và sử dụng nước hiệu quả. Giới thiệu và cho học sinh tìm hiểu về năng lượng mặt trời, tầm quan trọng của cây xanh,…Ngoài ra, mình còn được tặng những dụng cụ, thiết bị đem về nữa. Ví dụ như bộ mô hình lắp ráp xe chạy bằng năng lượng mặt trời, máy tính, máy đo điện thế,…

HGBC cho mình một góc nhìn mới về việc giảng dạy. Ở đây mình học được cách thiết kế việc dạy học bằng dự án. Và điều có ý nghĩa nhất là thiết kế dự án làm sao để những thông điệp về môi trường chạm được đến nhận thức của các em, từ đó thúc đẩy hành động. Bởi vì học không chỉ để biết mà học còn để làm, để tự khẳng định mình và để cùng chung sống với nhau.

Năm nay 2016, có 50 giáo viên được chọn tham gia HGBC, được chia làm 10 đội để hoạt động . Trong đó 35 giáo viên là dân US, còn lại 15 giáo viên đến từ các quốc gia khác US, bao gồm : 2 từ Turkey, 2 từ Canada, 2 từ United Kingdom, 1 từ Australia, 1 từ Philippines, 1 từ Russian Federation, 1 từ Brazil, 1 từ Indonesia, 1 từ India, 1 từ Romania, 1 từ China, 1 từ Vietnam.

Về các mốc thời gian của chương trình năm 2016
Nộp đơn: 18-02-2016 đến 20-03-2016
Tập huấn : 19-23 tháng 06, năm 2016

Năm tới 2017 thì thời gian cũng diễn ra vào khoảng đó. Đây là chương trình được tổ chức hàng năm. Do đó khoảng tới tháng 02 mỗi năm, các bạn thường xuyên cập nhật tin tức từ trang web của chương trình nhé.
http://www.honeywellinteract.com/greenbootcamp/info.html

Dưới đây là các câu hỏi và nội dung cần hoàn thành trong application form của HGBC 2016.

Mọi người tải về nghiên cứu từ từ nhé. Đợi khi nào mở cổng đăng kí thì mình đã có dữ liệu sẵn. Chỉ cần copy qua form là xong. Ad nghĩ form đăng kí không thay đổi nhiều lắm đâu.

http://www.mediafire.com/file/06u08292k7fg3mx/HGBC_2016_APPLICATION_FORM.pdf

Đây là thông cáo báo chí của chương trình năm 2016

http://www.mediafire.com/file/3i4ga9e5wgb1a22/HGBC_2016_ENG.pdf

Một số hình ảnh của chương trình HGBC 2016 mà mình tham gia.

This slideshow requires JavaScript.

Tản mạn về việc tự học Tiếng Anh

Trước đây, một số học trò của mình có hỏi về cách tự học Tiếng Anh (TA) . Nhưng vì cứ bị cuốn theo vòng xoáy của công việc, nên mình chưa có thời gian để viết. Hôm nay, nhân dịp có 1 vị phụ huynh rất đặc biệt hỏi mình về cách học TA cho trẻ em, nên mình ngồi lại viết bài này.

Vị phụ huynh này đặc biệt bởi vì giữa bộn bề công việc, người này vẫn dành nhiều thời gian để nói chuyện, chia sẻ những kinh nghiệm sống cho mình. Và qua những buổi nói chuyện này khiến mình có thêm những dự định mới cho con đường phía trước. Mình hay nghe người ta nói: “Người ta có thể kiếm thêm tiền, nhưng không thể kiếm thêm thời gian. Bởi vậy, những người chịu dành thời gian quý báu của họ cho mình là quý nhân của mình”

Nên mình ráng ngồi suy nghĩ, chắt lọc lại những bài học kinh nghiệm mà mình đã học được trong suốt quá trình 9 năm mày mò tự học Tiếng Anh của mình. Mong rằng sẽ giúp ích được phần nào cho ai đó, cũng như cho học trò và bạn bè của mình.

Bài viết này mình chia làm 3 phần.

Phần đầu tiên, mình xin nói tóm tắt đôi điều về mình và hành trình học Tiếng Anh của mình, để mọi người có cái nhìn tổng quan. Vì kinh nghiệm của mình mang tính chất cá nhân, đôi khi phù hợp với trường hợp này, nhưng lại không phù hợp với trường hợp khác. Nếu bạn nào có xuất phát điểm giống mình, bối cảnh cũng tương đồng, thì những kinh nghiệm mà mình sắp chia sẻ tới đây sẽ giúp ích được rất nhiều cho bạn.

Phần thứ hai sẽ là những kinh nghiệm mà mình đã áp dụng và thành công rực rỡ.

Phần thứ ba là một số nguồn tài liệu tham khảo.

Phần 1: Đôi điều về quá trình học Tiếng Anh của mình.

Hành trình tự học Tiếng Anh của cô sinh viên nghèo như mình bắt đầu từ năm nhất ĐH (mình không học chuyên ngành TA nhá). Trải qua 4 năm ĐH, 1 năm thất nghiệp, rồi gần 4 năm đi làm nữa, cũng gần 9 năm mình tự học Tiếng Anh (cũng gần 1 thập kỉ rồi nhỉ).

Sự thật thì mình học TA từ lớp 6 cơ, nhưng mình xin phép không chia sẻ về giai đoạn này vì ở phổ thông thì ai học gì mình học nấy thôi, học theo SGK, trường mình học cũng là trường làng bình thường, không phải trường chuyên Amsterdam gì cả. Mặc dù thầy cô của mình đều là những người rất nhiệt huyết, mình cũng không phải là học sinh lười biếng, thầy cô dạy công thức nào, từ vựng nào mình cũng đều học thuộc, nhưng mình không thể nào sử dụng TA để giao tiếp, mình không nghe được người ta nói gì, và mình cũng không thể nói cho người khác hiểu. Cái cảm giác mà thì nào của TA cũng nắm, cấu trúc nào cũng nắm, nhưng không nói được 1 câu hoàn chỉnh vào lúc cần nói, nó khó chịu không gì diễn tả nổi.

Lúc học ĐH mình cũng có đăng kí học TA ở trung tâm ngoại ngữ vào buổi tối, học được vài khóa thì không đủ khả năng theo học nữa. Vì bắt đầu vào học các môn chuyên ngành, chương trình học nặng quá, không thể đi làm thêm nhiều được nữa, mà nếu vậy thì không có tiền đóng học phí học TA, với lại đến thời điểm đó, mình học cũng 5, 6 khóa rồi, thấy học cũng không hiệu quả mấy nên cuối cùng quyết định nghỉ, tìm đường mày mò tự học ở nhà.

Lúc đó, trong lòng mình đặt ra 1 câu hỏi. Nếu như mình đã học hành siêng năng, chăm chỉ như vậy mà vẫn không thành công, vậy điều gì giúp 1 người có thể chinh phục được TA? Câu hỏi này nó ám ảnh mình suốt kể từ khi mình bước chân vào ĐH.

Và hành trình 9 năm của mình là hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Đó là hành trình liên tục làm thử và sửa sai. Mình thấy anh chị, thầy cô chia sẻ quyển sách nào hay thì download về học thử, thấy không hiệu quả thì bỏ, rồi thử cái khác, cứ liên tục như vậy hàng năm trời. Cái nào không hiệu quả thì loại bỏ, cái nào hiệu quả thì kiên trì áp dụng. Qua rất nhiều lần như thế, mình học được cả đống kinh nghiệm và vấp ngã cũng không ít lần nên kinh nghiệm nhiều mà thương tích cũng không ít.

Nhiều lúc mình thấy nản chí vô cùng. Mình đã cố gắng học hành hàng năm trời, cứ làm hoài, thử hoài nhưng sao vẫn không thành công. Nên giờ thấy học trò mình đứa nào tính tình tử tế, có ý chí phấn đấu vươn lên nhưng chưa thấy thành tựu, là mình thương không để đâu cho hết. Bởi vì mình như nhìn thấy hình ảnh của mình ngày xưa.

Nhìn mỗi lứa học trò ra trường, mình luôn ước thầm, mong sao “chân cứng đá mềm”. Mong rằng trên quãng đường phía trước dù lắm chông gai, các em ấy vẫn giữ được niềm tin để bước tiếp.

Đó, đại khái bối cảnh của mình là thế. Nên kinh nghiệm của mình sẽ không phù hợp cho bạn nào gia đình có điều kiện để đi du học hay đi học TA ở những trung tâm Anh- Mỹ đắt tiền.

Những kinh nghiệm của mình sẽ chỉ phù hợp cho những đối tượng sau:
– Những học sinh có thể đã học TA ở trường nhưng chưa sử dụng được nó.
– Sinh viên mất gốc TA, muốn tìm phương pháp tự học.
– Người đã đi làm muốn tự học TA bắt đầu từ số 0.
– Người muốn tìm nguồn tài liệu học TA cho con cái

Tóm lại, kinh nghiệm của mình sẽ hữu ích cho những ai muốn bắt đầu từ số 0. Bởi vì mình cũng bắt đầu từ số 0 mà.

Phần 2: Một số kinh nghiệm của mình

Không biết có bạn nào ở đây nghe tới quy luật 20/80 chưa?
Ví dụ:
Trong công ty sẽ có:
– 20% nhân viên đóng góp tới 80% thành tựu của công ty.
– Còn 80% nhân viên kia chỉ đóng góp được 20%.
Và nhóm 20% đó, người ta hay gọi là lực lượng nòng cốt.

Trong 1 ngày:
– Có 20% thời gian làm việc mang lại 80% năng suất
– Còn 80% thời gian còn lại chỉ đem lại 20% thành quả.

Nói nôm na là trong tổng thể các phần tử, sẽ có 1 số ít các phần tử quan trọng hơn những phần tử khác rất nhiều lần.

Nên mình áp dụng quy luật này để chọn ra những điểm thật quan trọng, thật chính yếu nhưng lại quyết định phần lớn kết quả. Có như vậy thì mới tiết kiệm được thời gian. Làm ít mà được nhiều.

Có rất nhiều bài học mình rút ra trong quá trình tự học TA. Nhưng dưới đây là những nguyên tắc rất quan trọng mà mình ước gì 9 năm trước có người giải thích cho mình hiểu rõ. Nếu được như vậy không chừng mình đã tiết kiệm được 1 nửa thời gian mày mò, tự tìm hiểu.

Dưới đây là 4 nguyên tắc mà mình hi vọng là sau này cho dù bạn chọn phương pháp nào để học TA cũng đươc, chọn tài liệu, giáo trình nào để học TA cũng được, miễn là thỏa mãn 4 nguyên tắc dưới đây thì trình độ TA của bạn sẽ tiến như tốc độ tên lửa chứ không phải máy bay thường nữa.

1/ Nguyên tắc 1: Nên học đúng thứ tự các kĩ năng NGHE -NÓI -ĐỌC-VIẾT

Sau hàng năm trời nghiền ngẫm, tìm hiểu, đọc tài liệu, mình nhận ra rằng lí do mà mình không thể sử dụng TA sau 6 năm trời ròng rã học tập siêng năng ở phổ thông (từ lớp 6 đến lớp 12) là vì mình đã học NGƯỢC với quy trình học ngôn ngữ của não bộ.

Mình hỏi bạn nhé
– Một đứa trẻ sinh ra ở VN thì lớn lên nó nói tiếng gì? Có phải Tiếng Việt không?
– Một đứa trẻ sinh ra ở Mỹ thì lớn lên nó nói tiếng gì? Có phải Tiếng Anh không?

Ta hãy thử tìm hiểu quy trình 1 đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ nhé. Vì đối với trẻ em, tiếng mẹ đẻ cũng là ngoại ngữ. Bởi khi mới sinh ra trẻ em cũng có biết từ nào đâu. Cũng giống như mình khi bắt đầu học TA với con số 0. Tại sao không mô phỏng quy trình học ngôn ngữ của đứa trẻ. Bởi đó là quy trình tự nhiên đã được cài đặt trong bộ não của con người.

Đầu tiên đứa bé chưa biết nói gì hết. Nó chỉ NGHE và NGHE những người xung quanh như ba mẹ, anh chị nói chuyện. Và thường thì những người bị điếc cũng thường bị câm. Tức là NGHE là điều kiện tiên quyết của NÓI.

Phải nghe được một thời gian sau đứa bé đó mới có thể nói được vài từ đơn giản như : Ba, Mẹ, Đói, Ăn, Ị,…

Rồi khoảng 2, 3 tuổi nó mới NÓI được thành câu tương đối hoàn chỉnh. Sau đó nó mới được gửi đến trường để học ĐỌC và bắt đầu tập VIẾT những câu cơ bản.

Lớn chút nữa nó mới học NGỮ PHÁP Tiếng Việt để viết sao cho hay, cho súc tích và gãy gọn. Và mình thấy là bất kì đứa trẻ ở bất kì quốc gia nào cũng học theo quy trình như vậy. Và chỉ có học đúng như vậy mới có hiệu quả.

Nhớ lại thời phổ thông, hầu như nghe rất ít hoặc không có nghe. Mắc xích đầu tiên trong việc tiếp thu 1 ngôn ngữ đã không được xây dựng ngay từ ban đầu, nên cho dù học ngữ pháp 10 năm cũng không dùng TA được.

Mình không phản đối việc học NGỮ PHÁP, vì mình hiểu rõ tầm quan trọng của việc nói đúng, nói hay, viết đúng, viết hay trong đời sống cũng như trong công việc. Ý mình muốn nhấn mạnh là thứ tự của việc học những kĩ năng trên.

Ngữ pháp sẽ được học sau khi một số thứ quan trọng và nền tảng khác đã được xây dựng. Ngoài ra, cách học ngữ pháp cũng nên thay đổi, tức là học ngữ pháp thông qua quá trình NGHE, ĐỌC. Khi mình nghe, nhìn thấy một cấu trúc nhiều lần thì não bộ sẽ tự động học cấu trúc ngữ pháp một cách tự nhiên. Giống người Việt mình nè, nói câu nào thì chỉ cần bật ra là nói được, có cần suy nghĩ phải dùng cấu trúc nào, thì nào, sắp xếp thứ tự ra sao đâu, vì nó đã được gắn vào tiềm thức rồi.

Việc học ngữ pháp quá khó và quá nặng ngay từ khi bắt đầu học TA cũng giống như bắt đứa trẻ 1 tuổi chưa nói được chữ nào học ngữ pháp TV vậy đó.

2/ Nguyên tắc 2: Nguồn tài liệu phải từ người bản xứ.

Theo như sự hiểu biết hạn hẹp của mình thì hiện nay trên thế giới chỉ có những quốc gia sau đây sử dụng Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, bao gồm: Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada. Còn lại những nước khác thì Tiếng Anh cũng chỉ là ngôn ngữ thứ hai của họ, mặc dù đa số người dân ở đó sử dụng TA cũng rất thành thạo.

Kinh nghiệm của mình là, người hướng dẫn mình học TA có thể là người nước ngoài hoặc người Việt (theo mình người Việt tốt hơn vì họ hiểu những khó khăn mà người Việt mình mắc phải), nhưng NGUỒN TÀI LIỆU để NGHE, ĐỌC phải là nguồn bản xứ.

Nếu muốn luyện NGHE, phải lựa nguồn nghe từ người bản xứ Anh, Úc, Mỹ, New Zealand, Canada, để mình bắt chước cách phát âm của họ. Người Việt hay người nước khác, cho dù có giỏi TA đến đâu cũng không bao giờ phát âm chuẩn bằng người bản xứ được, vì người nước nào cũng sẽ bị lẫn chất giọng của nước đó, bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ của họ. Học nghe mà lấy nguồn Ấn Độ làm chuẩn thì thôi rồi lượm ơi. Mình hãi hùng nhất nghe mấy ông Ấn Độ phát âm TA, nhưng phải phục khả năng nói trôi chảy của họ.

Khi đã nghe chuẩn, nghe đúng, nghe nhiều thì mình phát âm sẽ đúng. Và mình cũng nhắc trước là có rất nhiều âm trong TA hoàn toàn không có trong TV. Nên để có thể học được những âm này, tránh tình trạng nói TA kiểu TV, (người ta hay gọi là Vinglish) thì thời gian nghe liên tục ít nhất 1 năm, nếu mỗi ngày có thể nghe khoảng 1-2 tiếng. Bởi vì mình cần học rất nhiều âm mới, hoặc là loại bỏ những âm mà các bạn đã học sai từ trước tới giờ.

Còn nếu muốn luyện ĐỌC thì phải đọc sách của người bản xứ viết cho người bản xứ đọc. Đó mới là ngôn ngữ sống thật sự. Đừng tốn thời gian đọc ba xàm ba láp.

3/ Nguyên tắc 3: Bắt đầu từ dễ đến khó và phải tin ở sự thành công.

Đọc tới đây chắc là một số bạn nản chí rồi. Nào là NGHE giọng người bản xứ. ĐỌC sách của người bản xứ. Các bạn sẽ nói tui đây chưa biết chữ TA nào làm sao làm được những điều đó?
Câu trả lời của mình là hãy học như một đứa trẻ, bắt đầu từ dễ đến khó.

Lúc mới bắt đầu, mình lên youtube tìm những video dạy TA cho thiếu nhi, hoặc phim hoạt hình dành cho thiếu nhi. Vì dành cho thiếu nhi nên từ vựng ít, đơn giản, dễ hiểu, lặp đi lặp lại nhiều lần và quan trọng là có hình ảnh minh họa, nên mình không biết nghĩa từ đó thì nhìn hình cũng đoán được. Dần dần mình sẽ học được từ vựng một cách vô thức, tức là từ vựng nó tự động ghim vào não mình khi mình nhìn thấy nó, nghe thấy nó và gặp hình ảnh liên tưởng đến nó nhiều lần.

Mới đầu mình toàn xem những video cho mẫu giáo, rồi sau đó lên lớp 1, 2,3. Cứ như vậy mà tiến dần lên những cấp độ khó hơn. Đừng nản chí.

Đọc cũng vậy. Kiếm truyện thiếu nhi mà đọc. Truyện thiếu nhi nào cũng đầy hình ảnh và màu sắc.

Còn nếu bạn chưa biết tìm nguồn nghe, nguồn đọc cho thiếu nhi ở đâu, thì đợi tới phần 3 mình sẽ chia sẻ. Giờ thời đại internet rồi, tài liệu bao la, chỉ sợ là các bạn không đủ thời gian và kiên trì để học thôi.

4/ Nguyên tắc 4: Kiên trì theo đuổi đến cùng

Thực ra những điều mình chia sẻ với bạn ở phần trên không có gì là mới cả. Nếu bạn nào chịu khó tìm hiểu, kiên nhẫn một chút sẽ tìm thấy đây là những điều mà đã có nhiều người khác chia sẻ đầy trên mạng.

Vậy tại sao mình vẫn chia sẻ lại những điều này?

Mình vẫn phải chia sẻ những điều này, và sẽ còn nhắc lại những điều này nhiều lần nữa bởi vì đó là những thứ rất rất quan trọng đã giúp mình có được ngày hôm nay. Và mình hi vọng rằng bạn bè, học trò và những người mình yêu quý sẽ thu nhận được gì đó có giá trị từ những chia sẻ của mình.

Nếu những điều này là đúng, và những thông tin này đầy trên internet thì tại sao có ít người thành công trong việc chinh phục TA như vậy?

Về câu hỏi này, mình nghĩ câu trả lời có lẽ là vì người ta không đủ sự kiên trì để làm theo những gì mình tin tưởng.

Sự kiên trì ở đây phải tính bằng NĂM, chứ không phải bằng tuần hay bằng tháng, nên làm nhiều người nản chí. Họ thấy ai giới thiệu cái gì hay hay, làm thử vài ngày, vài tuần không hiệu quả rồi lại tìm cái khác, cứ như vậy, không kiên trì theo đuổi cái gì đến cùng cả.

Về khoản này, mình muốn giới thiệu với bạn về quy luật 10.000 giờ. Bạn có thể search trên web hoặc đọc trong quyển “Những kẻ xuất chúng (Outliers)” của Malcolm Gladwell. Mình khuyến khích đọc sách hơn vì nó viết sâu hơn là báo mạng.

Đại ý là để trở thành chuyên gia trong bất kì mảng nào, bạn cần ít nhất 10.000 giờ luyện tập. Mình xin trích lại một số ví dụ kinh điển cho luận điểm này.

(Vào năm 1975, Bill Gates thành lập nên Microsoft. Tuy nhiên phải tới 6 năm sau đó, ông mới ký được hợp đồng với IBM.
Tiếp theo phải mất 5 năm nữa công ty mới IPO và giúp Bill Gates trở thành triệu phú, kết quả ông được cả thế giới tung hô là vĩ nhân đạt được “thành công chỉ qua một đêm”.
Với Steve Jobs, thành công thậm chí đến với ông muộn hơn rất nhiều. Khởi nghiệp cùng Steve Wozniak và thành lập nên Apple Computer vào năm 1976 nhưng không có gì nổi bật cho tới năm 1984 với sự ra đời của Macintosh. Sau đó, Steve Jobs thậm chí đã bị đuổi khỏi Apple và khi quay trở lại ông mới tìm được thành công cho mình.
Một câu chuyện khác trong giới công nghệ là về 2 nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin. Họ khởi nghiệp công ty vào năm 1996 và phải 8 năm sau đó công cụ tìm kiếm Google mới đánh bại tất cả đối thủ cạnh tranh và hoàn thành thương vụ IPO với vốn hoá thị trường lên tới 23 tỉ USD.
Cả 3 câu chuyện kể trên đều phù hợp với những gì nhà nghiên cứu K. Anders Ericsson gọi là học thuyết “luyện tập thận trọng” và “quy luật 10.000 giờ”.
Trong nghiên cứu của mình, Ericsson đã tranh luận rằng với những ai muốn trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, họ cần ít nhất 10.000 giờ luyện tập và thực hành.)

Giả sử mỗi ngày bạn học TA được 3 tiếng nhé, thử lấy máy tính casio fx gì đó ra bấm xem cần bao nhiêu năm để đạt đến mốc là 10.000 giờ. Để biết được mình cần cố gắng thế nào. No pain, no gain.

Mình nói vậy không phải để làm bạn nản đâu. Mà là mình nói sự thật mặc dù hơi đau lòng.

Có thể bạn lên mạng sẽ thấy đầy rẫy những quảng cáo như học TA trong 3 tháng, 6 tháng gì đó. Nhưng mình nói thật đó chỉ là chiêu trò Marketing thôi.

Mình đồng ý là người đi học TA 6 tháng thì hơn người không đi học tháng nào rất nhiều. Nhưng 6 tháng chỉ giúp biến bạn thành người chưa biết gì về TA trở thành người BIẾT MỘT VÀI CÁCH HỌC TA. Lúc đó bạn có thể nói được những câu cơ bản, viết vài câu cơ bản. Nhưng nếu yêu cầu các bạn sử dụng TA để đọc sách, để xem thời sự, để nghe diễn thuyết, để học tập kĩ năng mới. Nói chung là để sử dụng TA để cải thiện cuộc sống của bản thân thì mình nghĩ là cần thêm rất nhiều thời gian và nỗ lực.

Nếu chỉ cần biết 1 vài câu cơ bản để có thể đi du lịch nước ngoài. Biết chào hỏi người ta, biết hỏi đường tới bưu điện, tới quán ăn, tới khách sạn thì mình nghĩ chỉ cần 1 tuần hoặc 1 tháng học những cấu trúc câu thông dụng trong hoàn cảnh đó là được, không cần tới 6 tháng đâu.

Nhưng mình tin nếu bạn đã kiên nhẫn đọc tới dòng này thì bạn không phải là người chỉ muốn được như thế. Bạn muốn nhiều hơn nữa.

Giờ đây bạn đã có tấm vé trên tay để bước lên hành trình chinh phục TA rồi đó. Bạn có đủ dũng cảm và kiên trì để bước lên chuyến tàu này không?

Hành trình này sẽ dài và gian khổ lắm, nhưng thành quả cuối con đường cũng rất xứng đáng.

Phần 3: Một số nguồn tham khảo. Nguồn từ Fb của chị Duyên, ĐHQG Hà Nội.

Vì mình học tìm tài liệu lung tung, học chỗ này một chút, chỗ kia một chút, nên khó mà giới thiệu nguồn phù hợp và chi tiết cho từng cấp độ. Chị Duyên thì khác, chị  đã tổng hợp và phân loại rất chi tiết ở đây, mọi người nếu muốn học TA mà không biết bắt đầu từ đâu, hãy thử tham khảo những nguồn dưới này nhé.

Chương trình học tiếng Anh online cho mầm non và tiểu học.
1. Các kênh trên you tube
Cách sử dụng: Xem như xem phim hoạt hình, có thể xem trước khi đi ngủ hoặc khi vừa thức dậy hàng ngày
• Magic English: https://www.youtube.com/watch?v=v-c
• Go Go loves English: https://www.youtube.com/watch?v=Euk
• Bed time story: https://www.youtube.com/watch?v=W-D
• Peppa pig: https://www.youtube.com/user/theoff
• Bài hát cho trẻ từ 3 – 6 tuổi: https://www.youtube.com/watch?v=eUX
2. Website
Cách sử dụng: Dùng làm bài tập trước khi đi ngủ
• Family and Friends: http://www.oup.com.vn/family&friendhttps://elt.oup.com/student/familya
• Incredible English: https://elt.oup.com/student/incredi
• Let’s go: https://elt.oup.com/student/letsgo3
http://www.contuhoc.com/hoc-tieng-a
http://socnhi.com/
Chương trình học tiếng anh online cho học sinh cấp 2, người học mới bắt đầu
1. Website bài tập tương tác
More 1 – trình độ elementary tương đương got it 1
http://www.more-online.com/more1int
Bản mới: http://www.newmore-online.com/more1
More 2 – trình độ high elementary tương đương got it 2
http://www.more-online.com/more2int
Bản mới: http://www.newmore-online.com/more2
More 3 – trình độ pre-intermediate tương đương got it 3
http://www.more-online.com/more3int
Bản mới: http://www.more-online.com/americanhttp://www.newmore-online.com/more3
Các website học ngữ pháp (cần có người học cùng)
http://www.perfect-english-grammar.com/
http://www.english-4u.de/grammar_ex
http://www.englisch-hilfen.de/en/ex
2. Ngân hàng sách học tiếng Anh
https://www.mediafire.com/nde
• Oxford picture dictionary
• Word by word
• Oxford 3000 words Bộ sách Learn to listen 1 2 3http://ebooktienganh.com/general-en
3. Kênh youtube:
Let’s talk https://www.youtube.com/watch?v=W9u
English conversation https://www.youtube.com/watch?v=MX4
Oxford English Daily Conversation https://www.youtube.com/watch?v=xRT… Extra English https://www.youtube.com/watch?v=k89
New Headway Beginner (Second Edition) https://www.youtube.com/watch?v=1eV
New Headway Elementary
https://www.youtube.com/watch?v=19w
New Headway Pre-Intermediate
https://www.youtube.com/watch?v=5Fh
New Headway – Intermediate Second Editionhttps://www.youtube.com/playlist?li
Cậu em trai của mình nói: “ Viết ít ít thôi, chia ra nhiều bài để người đọc còn kịp thở”. Nhưng lần này mình muốn thử xem có bao nhiêu bạn đủ kiên nhẫn đọc tới dòng này. Nếu bạn đã tin tưởng mình và cố gắng đọc đến dòng này thì mình xin chúc mừng bạn đã vượt qua bài test đầu tiên về sự kiên trì.

Mình không mong bạn tin tất cả những điều mình nói, nhưng mình hi vọng rằng nếu như thấy điểm nào phù hợp với bạn, bạn hãy thử áp dụng nó trong vài tháng thử xem kết qủa thế nào. Vài tháng chưa đủ để biến bạn thành chuyên gia nhưng nếu đi đúng hướng thì khoảng thời gian vài tháng sẽ cho bạn thấy sự tiến bộ rõ rệt.

Bài viết dài quá rồi và mình cũng khá mệt. Bài này chắc bạn đọc 6 phút là xong, nhưng mà mình đã dành ra hơn 6h để viết nó. Hi vọng sẽ giúp ích được gì đó cho người cần nó.

“Sự khổ nhọc khi học chỉ là tạm thời, sự đau khổ vì không học đến nơi, đến chốn là mãi mãi”

Hãy khóc đi con tim nhỏ bé, nhưng đừng bao giờ gục ngã.

Rời khỏi trường phổ thông, bắt đầu quãng đời sinh viên, có thể nói là bước ngoặt trong đời mỗi người. Bởi vì khi đó ta như chim xổ lồng, có thể tự do bay nhảy, tự do khám phá những chân trời mới lạ và khám phá chính bản thân mình.

Nhưng tự do càng nhiều thì trách nhiệm đi kèm cũng càng cao. Giờ thì mình có thể tự do bay nhảy đó, nhưng liệu nên bay đường nào cho phải, cho tốt?

Giờ là sinh viên rồi, sẽ không thầy cô nào ngồi điểm danh xem mình có vào lớp hay không. Vậy học hành nghiêm túc hay không là do lựa chọn của riêng mình. Mình chọn đi học đầy đủ, đến thư viện, làm công tác tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ hay la cà quán cafe, quán nhậu là quyền của mình. Mình lựa chọn thế nào thì sẽ có cuộc đời thế đó.

Đời sinh viên cũng là khoảng thời gian đầy thử thách vì nó bắt đầu 1 chặng mới trên đường đời.

Sẽ có biết bao điều mới lạ, khiến mình phải bỡ ngỡ. Nào là trường mới, bạn mới, rồi cuộc sống xa nhà. Giờ không có cha mẹ ở bên, mình phải tự làm tất cả mọi việc.

Rồi sẽ có lúc mình cảm thấy hoang mang về lựa chọn của mình, hoang mang về đoạn đường phía trước. Không biết liệu mình có gây dựng được sự nghiệp, xây dựng cuộc đời như mình mong muốn hay không. Hoang mang vì thấy mọi việc sao khác hẳn với lúc học ở trường phổ thông; hoang mang vì cuộc sống sinh viên không giống như những gì mình tưởng tượng ban đầu.

Những cảm giác này là rất bình thường mà ai cũng trải qua khi bước ra khỏi vùng an toàn (comfort zone) của mình. Khi thử làm điều gì mới mà trước đây mình chưa từng làm thì đi kèm theo đó là cảm giác sợ hãi. Nhưng đừng vì sợ hãi mà bỏ cuộc. Hãy đối diện với nỗi sợ hãi và vượt qua nó. Hãy cứ cố gắng đi xuyên qua bóng đêm, rồi sẽ thấy ánh sáng cuối con đường. Giờ tối nhất trong đêm là lúc trước rạng đông.

Sẽ có lúc mình cảm thấy chán nản, thấy xã hội sao nhiễu nhương quá, thấy tình người nơi đất khách quê người sao xa xỉ quá, mình biết đi đường nào cho phải?

Mình nhớ có lần đọc bài báo về những phẩm chất Tỷ phú Warren Buffett tìm kiếm khi tuyển người. Với sự từng trải của 1 nhà đầu tư mang bóng hình triết gia của thế kỉ 21, ông đưa ra 3 phẩm chất sau:

-integrity (sự trung thực)
-intelligence (sự thông minh)
-energy ( năng lượng)

Và ông nói thêm, nếu không có phẩm chất đầu tiên thì 2 phẩm chất kia sẽ giết chết bạn.

Chữ integrity được C.S.Lewis định nghĩa như sau : doing the right thing even when no one is watching (Tạm dịch: Làm việc đúng ngay cả khi không có ai ở bên cạnh quan sát, không ai biết)

Bạn thấy gì không, có những phẩm chất cá nhân mà ở thời đại nào, đất nước nào người ta cũng quý trọng. Nếu thời buổi càng nhiễu nhương, loạn lạc, mà mình vẫn giữ được sự chính trực thì nó trở thành một lợi thế cạnh tranh của mình, khi đó mình sẽ tỏa sáng.

Cuộc sống sẽ luôn luôn vận động. Mặt trời mọc rồi lại lặn, thủy triều lên rồi lại xuống, cơ hội luôn đi cùng với khó khăn.

Mình không thể thay đổi quy luật tự nhiên, cũng không thể thay đổi người khác, nhưng mình có thể THAY ĐỔI CHÍNH BẢN THÂN MÌNH cho tốt hơn.

Đừng mong mọi việc sẽ dễ dàng hơn, hãy mong bạn trở nên tốt hơn.

Đừng mong sẽ có ít khó khăn hơn, hãy mong bạn có nhiều kĩ năng hơn.

Sẽ có khó khăn, sẽ có những lúc sợ hãi, sẽ có những lúc thấy nản lòng. Nhưng dù gì đi nữa, hãy cố gắng vượt qua.

Hãy khóc đi, hỡi con tim nhỏ bé, nhưng đừng bao giờ gục ngã.

Sách nào cho anh, sách nào cho em?

Cuộc đời mình thay đổi rất nhiều kể từ ngày rời trường phổ thông để đi học xa nhà. Giờ gặp lại, nhiều thầy cô cũ nói tính cách mình thay đổi nhiều quá, khác xa cô học trò vụng về, hậu đậu ngày xưa.

Những thay đổi tích cực mà mình may mắn có được ngày hôm nay là nhờ học hỏi từ 2 nguồn sau:
– Những người mình đã gặp.
– Những quyển sách mình đã đọc.

Quả thật cuộc đời mình thay đổi rất nhiều là nhờ Sách. Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, mình có chia sẻ list sách mà mình yêu thích với học trò ở trên lớp. Nay viết lại bổ sung thêm một vài quan điểm của mình.

Theo mình, việc đọc sách cũng như ăn uống. Mỗi người có mỗi khẩu vị khác nhau, có người thích đồ chua, có người thích đồ ngọt. Cái thích của người này chưa chắc là cái thích của người kia. Nên những sách mà mình thích mà có bạn không thích thì cũng là điều dễ hiểu.

Trong quyển Tôi Tự Học mình nhớ có đoạn mà đại ý là vầy: “ Sách là tiếng dội của lòng mình. Mình thích một quyển sách bởi vì tác giả đã thay mình nói ra những gì mình ấp ủ, mình suy nghĩ trong lòng nhưng vì sự hạn chế của ngôn từ mà bản thân không thể tự mình nói ra được”.

Dưới đây là List sách mình gợi ý cho học trò. Thứ tự sắp xếp là ngẫu nhiên, không liên quan đến độ hay, dở, nhưng có liên quan đến độ dễ, khó.

Những sách mình xếp đầu là những quyển mình cho là dễ đọc hơn đối với học trò của mình. Những quyển sau thì cần ít nhiều trải nghiệm và va chạm với cuộc sống thì đọc mới thấy thấm.
Nhưng không sao, cứ để dành đó tham khảo, khi nào cảm thấy hoang mang, bế tắc, thấy có nhiều câu hỏi về cuộc sống quá, hỏi cha mẹ, thầy cô, người xung quanh mà không ai cho mình được câu trả lời thỏa đáng hết, thì thử tìm những quyển đó đọc thử xem. Biết đâu mình lại tìm được câu trả lời trong đó.

1/ Cà phê cùng Tony – Tony buổi sáng
2/ Trên đường băng – Tony buổi sáng

Đây là 2 quyển sách tập hợp những bài viết trên mạng xã hội của 1 tác giả có biệt danh là “Dượng Tony”. Mỗi bài viết là một câu chuyện được kể theo văn phong của bác ba phi, hài hước, nhẹ nhàng, nhằm để người đọc nhận ra được những tật xấu của mình để mà sửa đổi.

Đọc 2 quyển này, mình nghĩ rằng mỗi người đều sẽ nhận ra đâu đó có bóng hình của bản thân; sẽ nhận ra những tật xấu mà trước giờ mình không để ý tới; sẽ nhận ra đâu đó trên mảnh đất hình chữ S này, đang có những con người đang ngày đêm học và làm như điên để xây dựng tương lai.

3/ Rèn nghị lực để lập thân – Nguyễn Hiến Lê

Quyển sách rất mỏng, bạn có thể đọc xong trong một buổi chiều, nhưng trong đó chứa những bài học sâu sắc mà “ Càng ngộ ra sớm chừng nào thì cuộc đời mình càng tươi sáng chừng đó”. Ở đây, bạn sẽ học được các phương pháp rèn nghị lực để đạt được thành công. Thành công mà theo tác giả là dùng những phương pháp lương thiện để đạt được điều mình muốn, tức là không làm hại ai.

4/ Tôi tự học- Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Món khai vị cho những ai muốn bắt đầu dấn thân trên con đường tự học. Tác giả đề cập đến những vấn đề lớn của việc học như:
– Học để làm gì?
– Thế nào là người có học thức?
– Làm thế nào để trở thành người có học thức?

5/ Nhà Giả Kim – Paulo Coelho

Đây có lẽ là tiểu thuyết mà mình đọc đi đọc lại nhiều nhất – hơn 50 lần. Mỗi lần đọc, mình lại có thêm nguồn cảm hứng để học và làm việc. Nó là quyển tiểu thuyết chứa đầy những triết lý phương Đông, đồng thời mang một thông điệp vô cùng mạnh mẽ: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”.

Truyện kể về hành trình đi tìm kho báu của anh chàng chăn cừu Santiago. Để tìm được kho báu, anh đã phải vượt qua sự phản đối từ phía gia đình, vượt qua sự sợ hãi, nghi ngờ của chính bản thân, vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn trên dọc hành trình tìm kho báu để có thể mỗi ngày được sống với ước mơ của mình.

Mình tự hỏi, phải chăng đây là con đường mà những người trẻ có chí hướng trong quá trình lập nghiệp đều phải đi qua.

Đây là quyển sách đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều trong hành trình “đi ra biển lớn”. Mỗi lúc cảm thấy nản lòng vì những áp lực, những khó khăn trong cuộc sống mình đều lấy ra đọc để thấy rằng mình không hề cô đơn trên hành trình theo đuổi ước mơ, để có thêm động lực tiến về phía trước.

6/ Khuyến học – Fukuzawa Zukichi

Fukuzawa Zukichi, một trong những khai quốc công thần của Nhật Bản thời Duy Tân Minh Trị. Ông được Nhật Hoàng cử sang phương Tây để học tập, sau đó về nước ông viết sách chia sẻ lại những điều đã học được cho công chúng phổ thông, học sinh, sinh viên. Đây là quyển sách gối đầu giường của mỗi người dân Nhật Bản thời đó. Trong quyển này, ông công kích những tật xấu của người dân NB và đưa ra những cách thức để sửa đổi. Quyển này được viết hơn trăm năm trước, nhưng đọc nó, mình thấy như ông ấy đang sống lại để nói về VN mình.

Thông điệp: “Trời không sinh ra người đứng trên người, trời không sinh ra người đứng dưới người, tất cả đều do sự học mà ra”

7/ Đúng việc – Giản Tư Trung

Theo quan điểm cá nhân mình, đây là quyển “Khuyến Học” của VN. Viết rất thật và sâu sắc về tình thế hiện tại, toàn là những vấn đề nổi cộm. Tác giả cho rằng để giải quyết những vấn đề trên thì mỗi người nên làm “Đúng Việc” của mình. Làm đúng việc trong những vai trò LÀM NGƯỜI, LÀM DÂN, LÀM VIỆC. Ngoài ra còn một chương nói riêng về đúng việc trong LÀM GIÁO DỤC.

Thông điệp chính: “Ta là sản phẩm của chính mình”

8/ Bảy chiến lược để thịnh vượng và hạnh phúc – Jim Rohn

Kim chỉ nam cho việc thiết kế cuộc sống của mình

9/ Thành công bằng con đường tử tế – Inamori Kazuo

Tựa quyển sách nói lên tất cả.

10/ Ngày xưa có một con bò – Camilo Cruz.

Ai đang cảm thấy mắc kẹt trong công việc của mình sẽ thấm. Mình đang quyết tâm giết dần dần “những con bò” của mình.

Mình xin chốt lại bài này bằng một câu nói mình rất thích của Obama

“Khi chúng ta thuyết phục được một đứa trẻ bước qua bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”

Viết cho những hoang mang

Có bạn hỏi cô : “Cô ơi, sao cô A khuyên em chọn ngành này, thầy B khuyên em chọn ngành kia, cha mẹ em ở nhà thì kêu học ngành nọ. Giờ em chẳng biết nghe theo ai. Em không biết lựa chọn thế nào cho đúng.”

Có lẽ đây không chỉ là băn khoăn của riêng em mà là tâm trạng chung của các bạn khác đang phải đứng trước sự lựa chọn sắp tới.

Sẵn đây, cô kể em nghe câu truyện ngụ ngôn sau đây nhé, truyện có tên là “Ngựa con qua sông”

Ở một làng nọ, có một chú Ngựa con sống cùng với ngựa mẹ, việc gì cũng ỷ lại vào ngựa mẹ.
Một hôm ngựa mẹ bảo nó mang ít đồ qua bên kia sông. Đứng trước dòng sông chảy xiết, ngựa con cảm thấy sợ hãi, nên nó đi hỏi ý kiến những hàng xóm xung quanh.
Đầu tiên, nó tới hỏi bác trâu. Bác trâu bảo nước sông rất cạn, chỉ tới đầu gối.
Ngựa con vẫn nghi ngờ, nó bèn hỏi chú chuột. Chuột ta lại bảo nước sông rất sâu, ngập đầu luôn, qua là chết đuối đấy.
Cuối cùng ngựa con vì hoang mang sợ hãi mà quay trở về.

Vậy qua câu chuyện này, em rút ra được bài học gì?

Em có thấy rằng những điều Trâu và Chuột nói đều là sự thật, mặc dù 2 lời nói đó trái ngược nhau hoàn toàn không.

Thầy, cô cũng như cha mẹ ai cũng mong điều tốt nhất cho mình nên những điều họ khuyên mình đều xuất phát từ ý tốt. Tuy nhiên, những lời khuyên của mọi người có thể trái ngược nhau vì nó thường phụ thuộc vào những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân từng người đó trong quá khứ.

Sở dĩ con trâu nói nước không sâu (điều này đúng với Trâu là vì nó to lớn), còn con chuột nói nước sông rất sâu (điều này cũng đúng với chuột là vì người nó bé tí).

Rốt cuộc nước sông có sâu hay không thì chỉ bản thân tự mình đi thử mới biết được. Vì khả năng mỗi người mỗi khác nhau. Nếu mình có khả năng nhưng không dám thử thì coi như bỏ lỡ cơ hội, uổng lắm. Còn mình không có khả năng mà đâm đầu chọn đại thì coi chừng chết đuối như chú Chuột đấy.

Vậy cuối cùng làm sao để đưa ra lựa chọn bây giờ?

Nếu là cô, cô sẽ làm thế này nhé.

Bước 1: Thu thập dữ liệu
Đây là bước mình đi tìm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm hơn mình như thầy, cô, cha mẹ.
Bởi vì không ai tự mình biết tất cả mọi thứ, nếu mình không học hỏi từ những người xung quanh, tự cho mình biết hết thì có khác nào ếch ngồi đáy giếng.
Nhưng nhớ là tìm người nào có kinh nghiệm về lĩnh vực mình muốn hỏi nhé.
Hơn nữa, với thời đại internet thì chỉ cần 1 cú click chuột là cả biển thông tin. Quan trọng là mình có sự đầu tư thời gian, có kiên trì tìm thông tin hay không.

Bước 2: Phân tích dữ liệu + Phân tích bản thân

Với những thông tin trên internet, và lời khuyên từ người xung quanh. Mình sẽ tiến hành phân tích xem ai là Trâu, ai là Chuột (phân tích dữ liệu) và mình có phải là Ngựa không (phân tích bản thân)?

Bước này rất là khó nhất và quan trọng nhất, làm tốt bước này sẽ giúp em đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình.

Để biết ai là Trâu, ai là Chuột, mình nên nghe theo lời khuyên của ai là phù hợp, thì mình thử trả lời những câu hỏi sau:

-Người đó có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực mình hỏi không?
-Đó là kinh nghiệm thành công hay thất bại?
-Mình muốn gì? Khả năng thực sự của mình tới đâu? Không ai có thể trả lời câu hỏi này ngoài bản thân mình cả. Vì có ai hiểu được mình hơn chính mình, có ai hiểu được những ước mơ, khát vọng mà mình đang ấp ủ.

Bước 3: Ra quyết định + chịu 100% trách nhiệm về quyết định của mình

Cho dù như thế nào cũng phải ra quyết định, đừng như chú Ngựa con vì sợ hãi mà cứ đứng mãi bên bờ sông.
Và sau khi ra quyết định thì dù tốt hay xấu mình cũng phải có bản lĩnh chịu 100% trách nhiệm về quyết định đó.
Vì không ai chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình ngoài bản thân mình cả, kể cả cha mẹ cũng không. Đừng làm cục thịt dư của cha mẹ.

Quyết định đúng là kết quả của kinh nghiệm, mà kinh nghiệm là kết quả của rất nhiều lần quyết định sai trước đó.

Muốn tập đạp xe thì cứ leo lên xe đạp, té ngã vài lần rồi sẽ biết đạp thôi. Chứ cứ đứng nhìn người khác tập, ngàn đời mình cũng không biết đâu.

Ngày đầu tại Honeywell Green Boot Camp

Buổi gặp gỡ đầu tiên diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, ấm cúng tại Cabrillo room của Khách Sạn Marriott. Mọi người được chia theo đội gồm 5 thành viên, làm quen với nhau, giới thiệu đôi nét về bản thân và quốc gia. Sau đó nghe giới thiệu từ đại diện của Honeywell.
Mr. Mike Taylor giới thiệu về sứ mệnh của tập đoàn Honeywell nói chung, và về chương trình Honeywell Green Boot Camp (HGBC) thuộc Honeywell Hometown Solution nói riêng.
Sứ mệnh của Honeywell là dùng các giải pháp công nghệ để làm cho cuộc sống con người an toàn hơn, dễ dàng và thuận tiện hơn, và đặc biệt là phải thân thiện với môi trường.
Thông qua chương trình HGBC, Honeywell muốn cung cấp cho giáo viên những trải nghiệm thực tế về chủ đề năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió,…), về những ứng dụng đột phá trong khoa học, kỷ thuật, trách nhiệm của mỗi cá nhân với môi trường sống.
Honeywell hi vọng với những gì học được ở đây, giáo viên có thể thiết kế chương trình giảng dạy làm sao để học sinh hào hứng với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, hiểu được khoa học, kỹ thuật góp phần cải thiện cuộc sống con người như thế nào, đồng thời sống có trách nhiệm với môi trường. Giúp học sinh hiểu được những tác động tích cực của việc phát triển bền vững tới cuộc sống của từng hộ gia đinh, của cộng đồng mình sinh sống. (Trách nhiệm nặng nề quá, không biết mình có làm nổi không. Chắc phải nhờ sự hỗ trợ từ xếp, đồng nghiệp, đồng môn, bà co cô bác xa gần nữa mới được).
Mình xin dừng lại chút xíu giải thích cụm từ “Phát triển bền vững” theo góc nhìn của mình. Nó gồm 2 vế: Phát triển và bền vững.
Ví dụ: Gần đây nhất là vụ nhà máy thép X xả thải làm ảnh hưởng nặng đến môi trường.
-X làm kinh tế, có lợi nhuận, cung cấp việc làm cho rất nhiều nhân viên => Thỏa điều kiện “Phát triển”
-Nhưng hủy hoại môi trường => Không “bền vững” rồi.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG nói nôm nà là mình làm gì đó mặc dù để thu lợi nhuận (đương nhiên) nhưng đồng thời phải cung cấp được thứ gì đó có giá trị cho người khác (ví dụ công ăn việc làm cho nhân viên, hoặc cung cấp thông tin, hoặc giúp quá trình trao đổi mua bán thuận tiện hơn- điển hình là thương mai điện tử), nhưng đồng thời cũng phải không được làm hại đến môi trường.
Tóm lại, muốn gọi là phát triển bền vững, phải có 3 điều kiện
-Lợi mình
-Lợi cho người khác
-Không được hại đến môi trường
Vì hậu quả của việc phát triển không bền vững gây hại đến môi trường giờ ai cũng thấy rõ trước mắt rồi. ĐBSCL nắng nóng kỷ lục, một số nơi hạn hán, không có nước sạch để sử dụng, thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Mỗi giáo viên trong số 50 người tham gia chương trình được yêu cầu nộp 1 giáo án. Vậy là khi ra về mỗi giáo viên có được 50 giáo án để sử dụng chung. (Vậy là xem như mình cũng có rất nhiều tài liệu tham khảo về việc thiết kế các hoạt động để dạy về chủ đề này rồi.)
Honeywell có niềm tin rằng một ngày nào đó những học sinh này nhờ được tạo cảm hứng từ giáo viên của mình, mà sẽ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM (Science, Technology, Engineering, Math), sẽ trở thành kỹ sư, nhà khoa học có những phát kiến giúp giải quyết những vẫn đề nổi cộm bây giờ, như là biến đổi khí hậu chẳng hạn, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống của biết bao nhiêu người nữa.
Vì tương lai của tập đoàn Honeywell phụ thuộc vào thế hệ kế tiếp, nên việc định hướng cho học sinh, tạo cho học sinh niềm đam mê về khoa học kỹ thuật từ cấp trung học là cần thiết. Mà người tác động trực tiếp đến học sinh không ai khác chính là giáo viên. (Mình nghĩ đây là mục tiêu sâu xa của chương trình này. Họ đầu tư vào giáo viên chính là họ đầu tư vào học sinh, những người sẽ là nhân viên của họ tương lai nếu theo đuổi sự nghiệp STEM- Tầm nhìn dài hạn thật).
Nói qua đôi nét về STEM. Đây là trọng điểm trong định hướng phát triển giáo dục của Mỹ thời gian gần đây. Trong lần ghé thăm VN tháng 05 vừa qua của tổng thống Obama, ông cũng có nhấn mạnh về việc phát triển STEM (Bạn nào có quan tâm, nghe lại bài phát biểu của Obama nhé). Đây là xu hướng tất yếu của thế giới chứ không riêng gì ở Mỹ, chỉ là các nước phát triển đi trước mình một chút thôi. Úc, Canada, New Zealand cũng phát triển mạnh mảng này, và họ có chính sách thu hút nhân sự về lĩnh vực này, thể hiện rõ ở việc có sự ưu tiên trong chính sách nhập cư, định cư đối với người hoạt động trong lĩnh vực STEM thời gian gần đây.
Ở Việt Nam mình cũng bắt đầu chú ý đến việc giảng dạy STEM, mình thấy chỉ mạnh ở khu vực Hà Nội. Nhưng mình nghĩ 1 ngày không xa nó sẽ phát triển mạnh thôi.
Sắp tới VN mình gia nhập TPP, AEC rồi, chính sách thông thoáng hơn, sau này mình đi nước ngoài làm việc cũng dễ như là đi từ Sóc Trăng lên Sài Gòn vậy thôi. Vậy nên, ráng học giỏi chuyên môn, cày thêm Tiếng Anh nữa, lúc đó tha hồ mà “ biển rộng trời cao con vẫy vùng”- trích lời bài hát “Nhật kí của mẹ”
(Còn nữa nhưng mệt quá rồi, phải ngủ thôi.)

HƯỚNG NGHIỆP VÀ GIÁ TRỊ THỰC HỌC

Sau chuyến đi Hướng Nghiệp kết hợp với du lịch ngày 19 và 20 tháng 12 năm 2015, một số học sinh của mình nói: “ Cô ơi, trong chuyến đi này, em thấy buổi talk show Hướng nghiệp tối ngày 19/12, các diễn giả nói chuyện hay quá, làm em ngộ ra được nhiều điều, họ còn chỉ dẫn chi tiết cách tìm kiếm thông tin, lựa chọn ngành nghề thật chi tiết, giờ về muốn làm theo, nhưng không nhớ được chi tiết phải làm gì”. Nên ngày hôm nay, mình viết bài này để tóm tắt lại nội dung chính mà các diễn giả chia sẻ trong buổi talk show đó, để bạn nào quên, hoặc những bạn không có điều kiện tham gia chuyến đi này, cũng có nguồn tư liệu để tham khảo, giúp cho quá trình lựa chọn ngành nghề của mình được chính xác hơn.

PHẦN 1: CHIA SẺ CỦA THẠC SĨ TÂM LÍ HỌC: ĐÀO LÊ HÒA AN

VẤN ĐỀ 1: Chọn nghề bằng cách nào? Dựa vào những điều kiện gì? Giữa việc chọn TRƯỜNG, chọn NGÀNH, chọn NGHỀ, thì cái nào chọn trước, cái nào chọn sau ?

GIẢI ĐÁP:

-Bước 1: Chọn NGHỀ trước. Có 3 tiêu chí cơ bản để lựa chọn nghề, đó là: ĐAM MÊ, NĂNG LỰC, NHU CẦU của thị trường lao động trong tương lai.

+Nói nôm na là đầu tiên phải xác định xem bản thân mình thích cái gì (đó là ĐAM MÊ). Hãy hỏi bản thân, công việc nào có thể khiến mình say mê, khiến mình quên cả thời gian. Chỉ có những người theo đuổi đam mê thật sự của bản thân, mới có thể tạo nên những thành tựu vĩ đại.

Ví dụ: Có bạn thích kinh doanh buôn bán, có bạn thích làm nhà báo, có bạn thích trẻ em, có bạn thích làm luật sư, có bạn thích đi dạy,…
Hãy tự xác định đam mê của bản thân.

+Tiếp theo phải xem mình có NĂNG LỰC phù hợp với nghề đó hay không. Tới đây phải phân biệt giữa NĂNG LỰC CÁ NHÂN với NĂNG LỰC HỌC TẬP.

Ví dụ: Có bạn kia học giỏi TOÁN, HÓA, SINH, nên Ba mẹ em đó cho rằng con mình có năng lực phù hợp với nghề Bác sĩ. Ráng ép nó học thêm, học bớt thi vô cho được trường Y. Khi nó vô học 2 năm, tới lúc đi thực tập, mới phát hiện ra mình sợ máu, hễ thấy máu là mặt tím tái, cầm dao mổ mà tay chân run lập cập, lát sau là xỉu.
Như vậy ngoài Năng Lực học tập, mình cần xác định xem tính cách của mình, những khả năng khác của mình phù hợp với những nghề nào.

+ Cuối cùng là Nhu cầu của xã hội trong tương lai: cái này em có thể tra Google để tìm hiểu. Vì hiện nay có những nghề đang thừa, và 4 năm tới vẫn còn thừa, ví dụ Sư phạm . Có những nghề hiện nay đang thiếu, nhưng 4 năm nữa chưa chắc thiếu, có những nghề hiện nay đang thiếu và 4 năm nữa vẫn còn thiếu. Việc tìm ra nó là bài tập về nhà của bản thân mỗi em đó nhé. Bạn nào sống nghiêm túc với tương lai của mình thì phải tìm hiểu

-Bước 2: Chọn NGÀNH. Sau khi đã chọn được NGHỀ theo những tiêu chuẩn ở bước 1. Tiếp theo, mình sẽ tìm hiểu xem có những NGÀNH nào hiện nay đang đào tạo ra NGHỀ đó. Vì 1 NGHỀ có rất nhiều ngành đào tạo ra.

Ví dụ: Nếu bạn muốn làm cái NGHỀ là NHÀ BÁO, thì có thể chọn học 1 trong những ngành sau: Luật, Văn Học, Sử học, Ngôn ngữ học, Báo chí và truyền thông, ….
Còn những bạn khác, nếu thích NGHỀ khác, muốn tìm NGÀNH thì làm như sau: Lên Google gõ “Mô tả công việc + tên NGHỀ”. Lúc đó nó sẽ ra rất nhiều trang, trong đó nó có để, muốn làm nghề này cần những kĩ năng nào (để mình xác định lại xem mình có những năng lực phù hợp hay không), cần tốt nghiệp những ngành nào (để mình chọn NGÀNH). Hoặc là mình gõ “ Tuyển dụng + tên nghề”, lúc đó nó sẽ ra những trang web tuyển dụng, và đương nhiên những nhà tuyển dụng sẽ ghi rõ các ứng viên phải tốt nghiệp NGÀNH A,B,C,D chẳng hạn,…Từ đó, dựa vào khả năng học tập của mình để lựa chọn những NGÀNH vừa sức.

-Bước 3: Chọn TRƯỜNG. Sau khi đã chọn xong NGÀNH ở bước 2, giờ tới chọn TRƯỜNG, vì mỗi ngành có rất nhiều trường đào tạo. Việc chọn TRƯỜNG cũng phải dựa vào khả năng học tập của bản thân, và điều kiện kinh tế của gia đình. Mình học giỏi thì chọn trường Top, còn mình học lực TB-Khá thôi thì chọn những trường tầm trung. Học phí của mỗi trường cũng có sự khác biệt chút ít, thông thường trường CÔNG thì học phí sẽ rẻ hơn trường TƯ, nhưng đầu vào cũng thường khó hơn.

Cách làm: Search Google “ Danh sách các trường ĐH ở + Tên Tỉnh thành”.
Rồi vào đọc nát tất cả các trang, đọc , nghiên cứu, so sánh và lựa chọn. Thêm vào đó, kết bạn Facebook với các anh chị Sv đang học tại những trường ĐH mà mình thích để tìm hiểu thêm thông tin.

Nói tóm lại, để có lựa chọn chính xác thì cần làm theo đúng thứ tự.
-Bước 1: Chọn Nghề
-Bước 2: Chọn Ngành
-Bước 3: Chọn Trường

Và việc lựa chọn dựa vào những tiêu chí nào, cách làm thế nào, đọc lại những phần trên nhé. Bạn nào đang học 12, thì bắt đầu làm bài tập này là được rồi, bây giờ là tháng 12, còn khoảng vài tháng nữa thôi. Hãy đọc, tìm hiểu một cách nghiêm túc, tương lai mình nằm trong tay mình. Không ai tìm hiểu giùm mình, không ai học giùm mình được. Mình tuổi trẻ mà, tuổi trẻ là phải xông pha, tuổi trẻ là phải tự đứng trên đôi chân của mình.
Có bạn nghe xong buổi talkshow lại hỏi mình : “ Cô ơi, sao mà phức tạp quá vậy cô, tìm hiểu đủ thứ, em làm biếng quá, thôi thì cô chọn giùm em đi?” Mình mới nói: “ Ừ, em hay quá, cô thích em rồi đó, cô thấy em làm NHÀ BÁO được đó, báo cha, báo mẹ đó em”. Nó gãi đầu cười hì hì. Nó lại hỏi tiếp: “Phức tạp quá cô ơi, vậy em chọn đại cái nghề nào đó, học đại cái ngành nào đó ở 1 trường nào đó được không cô?”. Sẵn dịp này mình xin có vài lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ. Cuộc đời là của các bạn, việc các bạn lựa chọn như thế nào là quyền của các bạn, không ai có quyền can thiệp, nhưng một khi đã lựa chọn thì phải tự mình chịu hoàn toàn trách nhiệm, cho dù lựa chọn đó là đúng hay sai. Nếu muốn lựa chọn đúng thì phải tìm hiểu thật kĩ. Mình xin được kết thúc PHẦN 1 tại đây bằng 1 câu nói mà mình rất thích trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky : “ Đời người ta chỉ sống có 1 lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí,…..”

PHẦN 2: DỰ ĐOÁN XU HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP NHỮNG NĂM TỚI

Theo như chia sẻ của chú TRẦN ANH TUẤN- Phó Giám đốc trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và nhu cầu lao động TP. HCM, thì trong những năm tới, những ngành nghề sau đây sẽ phát triển mạnh và có nhu cầu cao đó là: Chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản,…Nói tóm lại là những ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp, những ngành thế mạnh của VN mình. Giải thích cho xu hướng trên, chú có đề cập tới 2 vấn đề

-Một là: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương -Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (TPP). Đây là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại VN và Quốc Tế.

-Hai là: Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN – Asean Economy Community (AEC).

Muốn biết vì sao những Ngành trên sẽ HOT trong những năm tới, hãy lên mạng tìm hiểu thật kĩ 2 vấn đề trên.

Đây là 2 sự kiện có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển của VN trong những năm tới, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ, những người nắm trong tay vận mệnh của đất nước. Đó là cơ hội rất lớn để VN chuyển mình. Đương nhiên, cơ hội lớn luôn đi kèm với thử thách lớn.

Vậy từ thời điểm này, mình hãy tìm hiểu xem TPP là gì? AEC là gì? Khi tham gia thì VN được lợi gì? Để mình biết mà tận dụng. Và có những khó khăn gì? Để mình biết mà chuẩn bị đương đầu.

Mở cửa thông thoáng hơn rồi, người ta mở rộng cửa cho mình rồi, thì tương tự mình cũng phải mở rộng cửa đón người ta. Đó là quy luật qua-lại. Quy luật tất yếu của tự nhiên. Nếu mình giỏi, mình có thể dễ dàng “xách giỏ ra thế giới”, đem đô la về cho nước nhà. Còn không thì lực lượng lao động của nước khác sẽ tràn vào nước mình, tới lúc đó mình mà dở là thất nghiệp còn nhiều hơn bây giờ nữa. Theo quy luật thì nước luôn chảy về vùng trũng, do đó mình phải có ý thức tự động nâng nền. Phải luôn nâng chuẩn bản thân.

Bạn nào muốn tìm được ngành nghề vừa hợp sở thích mà vừa có nhu cầu cao, hãy nghiên cứu thật kĩ TPP và AEC. Ai nghiên cứu càng kĩ, chuẩn bị càng kĩ thì sẽ đón đầu được cơ hội thôi.

Và có 1 kỹ năng rất rất cần thiết đó là TIẾNG ANH. Cô không biết phải nói thế nào để em hiểu được tầm quan trọng của TA trong thời điểm hiện tại và tương lai. Nói dễ hiểu là thế này, khi VN mình gia nhập TPP và AEC, giống như là mình ngồi chung bàn nhậu mà tất cả những người xung quanh mình đều nói TA, nếu muốn bàn chuyện làm ăn, buôn bán, bắt buộc mình phải có cùng tiếng nói với họ. Đó là điều kiện tiên quyết. Học TA không khó, không đòi hỏi em phải thông minh, học giỏi gì hết. Chỉ đòi hỏi tính kiên trì, bền bỉ. Quyết tâm làm thì sẽ được.